BẠN KHÔNG CẦN HỌC KINH DOANH ĐỂ BIẾT KINH DOANH

Việt Nam đứNg thứ sáu trong số các quốc gia có nhiều sinh viên học tại Mỹ nhất, với hơn 30 ngàn người ở mọi cấp, chủ yếu là bậc đại học. Theo báo cáo Open Doors Report on International Educational Exchange 2016, 29,3% số sinh viên chưa tốt nghiệp đại học người Việt tại Mỹ theo học kinh doanh - quản trị, cao thứ hai trong số các nước có sinh viên du học tại Mỹ (sau Indonesia). (Ở Mỹ, cứ năm bằng cử nhân được trao, có một bằng thuộc ngành kinh doanh, theo bộ Giáo dục Mỹ.)

Tại sao Việt Nam có nhiều người theo học kinh doanh ở Mỹ thế? Vì phụ huynh tin (có vẻ hợp lý) là cho con học kinh doanh để làm trong khối tư nhân. Họ tin con mình phải học kinh doanh để biết kinh doanh. Một lý do là phần lớn người Việt chưa quen với khái niệm giáo dục khai phóng (liberal arts, gồm khoa học xã hội nhân văn và tự nhiên.)

Trong tiểu luận năm 2013 nhan đề Business and the Liberal Arts, Edgar M. Bronfman, Sr. (1929 - 2013), từng là giám đốc điều hành của Seagram Company, khuyên thanh niên nên theo đuổi tấm bằng khai phóng, nhấn mạnh vào giá trị của thái độ tò mò và cởi mở trước những cách nghĩ mới, và miêu tả nó như “yếu tố quan trọng nhất trong việc định hình từng cá nhân thành những con người thú vị và nhiều mối quan tâm, có thể quyết định con đường của riêng mình trong tương lai.”

Bronfman, người đã học lịch sử tại ĐH Williams (Mỹ) và ĐH McGill (Canada), mô tả tấm bằng khai phóng là “sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống và sự nghiệp.” Một công trình nghiên cứu gần đây đề xuất rằng “đại học khai phóng không chỉ chuẩn bị cho sinh viên có cuộc sống tốt, mà còn thành công về tiền bạc.”

Steve Jobs cũng là sản phẩm của nền giáo dục khai phóng, dẫu ông chưa từng hoàn thành tấm bằng cử nhân. Ông từng nói như sau khi giới thiệu chiếc iPad 2 vào tháng 3.2011: “DNA của Apple nói rằng chỉ riêng công nghệ thôi vẫn chưa đủ, mà phải đi kèm khai phóng, nhân tính, mới tạo ra cho chúng ta những kết quả khiến trái tim chúng ta reo hát.”

Trên thực tế, khoảng 1/3 các CEO trong danh sách Fortune 500 có bằng đại học ngành khai phóng.

Ở Việt Nam, có nhiều gương mặt kinh doanh và cả người làm ở những lĩnh vực khác đã theo đuổi tấm bằng khai phóng và đã trở về quê hương tạo dựng sự nghiệp thành công. Chẳng hạn một tư vấn viên cho McKinsey & Company Việt Nam có hai bằng cử nhân ngành lịch sử và kinh tế tại ĐH Amherst (Mỹ), đã khen ngợi khóa học lịch sử giúp anh có công việc hiện tại nhờ dạy anh “cách thu thập và đánh giá các dữ kiện, kể lại câu chuyện, diễn giải câu chuyện, đánh giá câu chuyện do người khác kể lại.” Điều này đặc biệt có nhiều liên quan vì các hãng tư vấn quản lý cần có khả năng kể “những câu chuyện kinh doanh” cho khách hàng của họ với những chứng cứ vững chắc. Giáo dục khai phóng cũng giúp người này có tư duy lý tính và giao tiếp rõ ràng dựa trên những ngành học thuật, giúp anh tự học hỏi nhiều điều mới, và “có thể làm lợi về lâu dài dẫu cho tấm bằng kinh doanh hoặc liên quan đến kinh doanh có thể giúp bạn đi nhanh hơn về ngắn hạn.” 

Một người khác có cha mẹ muốn con trở thành giáo viên giống họ, cuối cùng đã đổi sang đam mê thật sự của mình: âm nhạc và ngôn ngữ và văn học Pháp. Anh nói quá trình học khai phóng cho anh tiếp xúc với “những người cởi mở đầu óc và linh hoạt, và là những người giúp tôi nhận ra rằng luôn có những phương pháp thay thế để đạt được một mục tiêu. Tôi đã học được cách thử vận may với những trải nghiệm tỏ ra hoàn toàn xa lạ, và phát triển những mối liên kết vững bền với người khác cũng như những quan điểm thế giới thú vị trong quá trình đó.”

Khởi đầu của cuộc sống thứ hai: tìm Kiếm iKigai 

Tư vấn giáo dục và nghề nghiệp một cách chất lượng là cần thiết để giúp người trẻ quyết định học gì và làm gì trong phần đời còn lại.

Với phụ huynh: con bạn giỏi điều gì? Tài năng gì? Tiềm năng chưa được phát hiện và phát triển là gì? Với người trẻ: bạn thích làm gì? Giỏi làm gì? Thấy điều gì đáng giá nhất cho mình? Mục tiêu của bạn là gì? 

Một trong những câu hỏi quan trọng và khó khăn nhất bạn có thể tự hỏi mình là: ikigai của tôi là gì? Ikigai là khái niệm của người Nhật: lý do tồn tại, điều khiến bạn thức dậy mỗi ngày, đam mê của cuộc đời bạn.

Ikigai là điểm hội tụ của điều bạn yêu, bạn giỏi, điều thế giới cần, và điều bạn có thể được trả công. Nó là cộng hưởng của đam mê, sứ mệnh, nghề nghiệp và thiên hướng. Khổng Tử từng nói: “Chúng ta có hai cuộc sống, và cuộc sống thứ hai bắt đầu khi chúng ta nhận ra mình chỉ có một cuộc sống.” Việc tìm ra ikigai của bạn là cách chắc chắn để bạn khởi đầu cuộc sống thứ hai của mình.

 

TS Ashwill (markashwill@capstonevietnam.com) là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty TNHH Capstone Việt Nam, một công ty phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam, chuyên cung cấp các giải pháp giáo dục và đào tạo cho cá nhân và các tổ chức.