Nộp đơn Chương trình học tại Mỹ

Mỗi đại học tại Hoa Kỳ thiết lập tiêu chuẩn thu nhận sinh viên riêng và quyết định sinh viên nào hội đủ tiêu chuẩn nhập học. Bạn phải nộp đơn riêng cho từng trường.

Ngay cả khi bạn đã chọn trường bạn muốn du học, bạn vẫn nên nộp đơn vào những trường khác–rất có thể trường mà bạn "chọn đầu tiên cho mình" không thu nhận bạn. Ít nhất là một trong hai trường bạn chọn nộp đơn phải là những trường mà bạn và cố vấn học tập của bạn tin chắc là bạn sẽ được thu nhận. Nên nhớ là bạn đang tranh đua với những sinh viên quốc tế khác trên toàn thế giới để vào một số chỗ giới hạn.

Thuật ngữ

Học bạ: Bản hồ sơ học tập chính thức của sinh viên
Tín chỉ: Trị số của tất cả các môn học đã hoàn tất, thường là bằng số giờ học trong lớp mỗi tuần

Sinh viên đại học: Sinh viên theo học tại một trường đại học và chưa được cấp bằng cử nhân
 Khoa sau đại học Một trường trong trường đại học có các chương trình học cho phép sinh viên lấy bằng cấp cao hơn bằng cử nhân
GPA (Grade Point Average)–Điểm trung bình Con số đo lường khả năng học tập của sinh viên căn cứ theo kết quả tính từ số tín chỉ và điểm đạt được trong mỗi môn học

Phần lớn các trường đại học Hoa Kỳ khuyến khích sinh viên quốc tế liên lạc với trường ít nhất là một năm trước khi sinh viên muốn ghi danh nhập học. Hãy làm những bước sau đây khi nộp đơn xin nhập học các trường đại học Hoa Kỳ:

Gửi thư cho nhiều trường. Sau khi đã chọn trường bạn muốn theo học, hãy liên hệ với nhà trường để biết thêm thông tin về thủ tục nộp đơn xin nhập học dành cho sinh viên quốc tế và yêu cầu đơn xin nhập học. Bạn có thể xem thành tích của trường trong tập san này để giúp trong việc quyết định chọn trường. Hãy dùng liên kết “Request Information” ("Yêu cầu thông tin") trên trang www.studyusa.com của chúng tôi để điền mẫu yêu cầu thông tin trực tuyến, hoặc để liên kết trực tiếp đến văn phòng thu nhận sinh viên, bằng cách nhấp vào nút “Apply Now” ("Nộp đơn ngay") trên trang web của trường tại trang StudyUSA.com. Nếu bạn muốn biết thêm về một chương trình cử nhân hay chương trình Anh ngữ (như chương trình ESL) nào, bạn hãy gửi thư về Văn phòng Tuyển sinh của từng trường.

Muốn nộp đơn vào các trường hậu đại học (sau chương trình cử nhân) bạn phải nộp đơn thẳng vào khoa hậu đại học mà bạn hội đủ tiêu chuẩn, như Phân khoa Vật lý hoặc Sử. Liên hệ với Văn phòng Tuyển sinh của khoa sau đại học hoặc với khoa trưởng của phân khoa.

Bạn phải có thành tích học tập tốt nếu bạn muốn được thu nhận vào chương trình sau đại học.

Vui lòng cho trường biết là bạn đã biết về trường qua Study in the USA®.

Gửi đơn xin nhập học. Các trường đại học Hoa Kỳ thường dùng thành tích học tập của sinh viên và kết quả các bài thi trắc nghiệm phù hợp như TOEFL, SAT hoặc ACT để quyết định chọn lựa sinh viên. Nếu bạn nộp đơn vào các khoa sau đại học, bắt buộc bạn phải có thêm các điểm thi trắc nghiệm khác như GRE hoặc GMAT.

Văn phòng Tuyển sinh hoặc văn phòng khoa sau đại học sẽ gửi cho bạn thông tin về chương trình học của họ và mẫu đơn xin nhập học. (Bạn có thể yêu cầu trực tuyến đơn xin nhập học của một trường nào đó hoặc xin đơn tại trung tâm tư vấn giáo dục địa phương của bạn.) Lệ phí mỗi đơn là từ 35 USD đến 100 USD. Số tiền này được dùng để xử lý hồ sơ đơn xin nhập học của bạn và sẽ không được hoàn lại, ngay cả khi bạn không được nhận vào trường.

Văn phòng Tuyển sinh sẽ xét điểm học tập của bạn trong bốn năm sau cùng của chương trình trung học và điểm thi tốt nghiệp trung học tại quốc gia của bạn. Nếu bạn nộp đơn vào khoa sau đại học, điểm học tập của bạn trong chương trình đại học cũng sẽ được xem xét. Trước khi bạn dự các kỳ thi tuyển nhập học, bạn nên yêu cầu các trường bạn đã học gửi bản sao học bạ chính thức của bạn đến những trường nào bạn muốn theo học.

Đa số các thủ tục nộp đơn nhập học sẽ yêu cầu các thông tin sau:

  • Thông tin cá nhân–gồm tên tuổi, địa chỉ, hoàn cảnh gia đình, nơi sinh, tình trạng công dân và những thông tin tương tự.
  • Sinh hoạt–Ghi ra danh sách các câu lạc bộ bạn tham gia, giải thưởng bạn đạt được, kinh nghiệm chơi thể thao trong đội, hoặc các vai trò lãnh đạo bạn từng đảm nhiệm.
  • Hoạch định về chương trình học tập–Viết một bài luận ngắn giải thích vì sao bạn muốn theo học tại trường này, bạn muốn theo chương trình học nào, mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì và những kế hoạch về nghiên cứu.
  • Luận văn–Một số trường yêu cầu bạn viết một bài luận riêng về bất cứ đề tài nào bạn muốn chọn. Xem cột bên cạnh.
  • Thư giới thiệu–Đơn xin nhập học có nhiều trang trống dành cho thư giới thiệu. Bạn hãy xin phép một số các giáo viên và giáo sư viết cho bạn thư giới thiệu và gửi thẳng những thư này về Văn phòng Tuyển sinh của từng trường bạn chọn.

Bạn nên nhớ gửi đơn xin nhập học cho các trường đại học thật sớm trước ngày hết hạn nộp đơn.

Ghi danh thi tuyển nhập học. Sinh viên nộp đơn nhập học các đại học Hoa Kỳ phải thi kiểm tra trình độ và khả năng học tập. Ngoài ra, sinh viên quốc tế cũng phải thi kiểm tra trình độ thông thạo Anh ngữ. Những kỳ thi này được tổ chức tại các trung tâm khảo thí trên toàn thế giới. Đây là những bài thi "chuẩn hóa" nhằm giúp cho sinh viên khắp các trung tâm khảo thí đều được thi cùng một bài thi. Kết quả điểm thi của bạn gửi cho Văn phòng Tuyến sinh Nhập học biết một tiêu chuẩn quốc tế đồng nhất để đo lường khả năng của bạn so với các sinh viên khác.
Tham dự kỳ thi tuyển. Điểm thi của bạn sẽ được gửi thẳng đến các trường đại học mà bạn nộp đơn. Khi bạn ghi danh thi những cuộc thi như SAT hoặc ACT, bạn sẽ được yêu cầu ghi tên các trường này vào đơn ghi danh, hoặc trong trường hợp bạn thi qua máy tính, bạn sẽ ghi tên những trường này tại địa điểm khảo thí. Các tổ chức khảo thí sẽ gửi điểm thi của bạn thẳng đến những trường này. Nếu bạn yêu cầu gửi điểm đến các trường sau khi thi, bạn sẽ phải trả lệ phí.

Nhận thư báo được tuyển. Sau ngày hết hạn nộp đơn, bạn sẽ bắt đầu nhận được thư từ các trường bạn đã nộp đơn xin nhập học. Một số trường thông báo cho sinh viên dự tuyển là họ được nhận vào trường không bao lâu sau khi Văn phòng Tuyển sinh nhận được hồ sơ của sinh viên. Trường hợp này gọi là thông báo “nhận sinh viên nhập học liên tục”. Nhưng cũng có những trường chờ vài tháng rồi thông báo cho tất cả sinh viên cùng một lúc.

Đóng tiền giữ chỗ trước khi nhập học. Đa số các trường yêu cầu sinh viên phải đóng tiền trước khi nhập học một thời gian nào đó nếu sinh viên muốn giữ chỗ trong chương trình học. Đối với sinh viên quốc tế, tiền giữ chỗ này có thể cao bằng học phí của một khóa học sáu tháng hay của trọn một năm.

Bạn phải gửi tiền giữ chỗ cho trường ngay lập tức nếu bạn đang nộp đơn xin trợ cấp tài chính hoặc nếu bạn có ý định sống trong ký túc xá đại học. Vì nhiều trường không có đủ ký túc xá trong trường đủ cho tất cả sinh viên, bạn có nhiều cơ hội được cấp một căn phòng trong ký túc xá đại học hơn nếu bạn gửi đơn xin nhà ở và gửi tiền giữ chỗ sớm.

Trường mà bạn chọn cũng có thể yêu cầu bạn cung cấp một báo cáo tài chính cho biết bạn sẽ có tổng cộng bao nhiêu tiền trong suốt những năm bạn theo học tại trường. Nếu bạn được học bổng hoặc chính phủ quốc gia hay công ty của bạn đài thọ, bạn sẽ phải gửi cho trường mọi chi tiết về học bổng hay tiền đài thọ này.

 

Hướng dẫn lúc làm bài thi

Khi chuẩn bị và luyện tập cho những bài thi được trình bày trong bài này, sinh viên nên nhớ là có một trình độ Anh ngữ vững chắc là điều rất quan trọng. Các bạn đạt được trình độ Anh ngữ tốt qua sự thực hành và luôn luôn luyện tập.

  1. Dành nhiều thì giờ học luyện thi. Dùng những tài liệu luyện thi sẵn có để làm quen với nội dung, cấu trúc của bài thi và những chỉ dẫn cần biết. Chỉ dẫn cách thức thi qua máy tính và thi trên giấy sẽ được cung cấp trong buổi khảo thí.
  2. Thực tập với các câu hỏi và bài tập mẫu có sẵn. Các bài thực tập này thường có những câu hỏi đã sử dụng thật và những đề tài đã được dùng trong các bài thi trước đây cũng như các bài thi mẫu. Bạn hãy cố gắng thực tập càng nhiều càng tốt trước khi đi thi thực sự.
  3. Tìm hiểu về môi trường thi và giả thử đặt mình trong môi trường đó. Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về môi trường thi và thực tập làm bài thi trong môi trường tương tự. Chỉ cho phép bạn trả lời các câu hỏi trong thời gian nhất định của bài thi thật và trả lời qua các câu hỏi của các phần thật nhanh và thật hiệu quả nếu có thể được, xác định và chú trọng vào những đề tài bạn cần phải trau dồi thêm.
  4. Khai tất cả các nguồn tài nguyên bạn có thể sử dụng. Một khi bạn biết nhiều về một bài thi nào đó và biết bài thi này được chấm điểm như thế nào, bạn sẽ làm bài thi hiệu quả hơn nhiều. Mạng Internet là nguồn tài liệu xuất sắc và phần lớn các thông tin trên mạng đều miễn phí. Bạn hãy tận dụng mọi chỉ dẫn và tài liệu bạn được cung cấp để làm bài thi thành công.
  5. Làm theo mọi chỉ dẫn. Đọc đầy đủ và kỹ lưỡng mọi chỉ dẫn trước khi bắt đầu bài thi. Nên chắc chắn là bạn hiểu rõ mục tiêu của mình và làm cách nào đạt mục tiêu. Đừng lo lắng nếu bạn không biết trả lời một câu hỏi nào đó – hãy chú tâm vào câu hỏi bạn đang làm và cố gắng hết sức trả lời câu hỏi này nhưng cũng nên nhớ là đừng dừng lại câu hỏi nào quá lâu. Chú ý thời gian để bạn có đủ thì giờ trả lời tất cả các câu hỏi trong bài.
  6. Hãy bình tĩnh và tự tin. Nghỉ ngơi đầy đủ trước khi đi thi. Hãy nhớ là càng nghỉ ngơi đầy đủ và chuẩn bị sẵn sàng, bạn càng thoải mái và bình tĩnh, tự tin trong lúc làm bài thi.

Viết một bài luận văn thật xuất sắc

Bạn có thể không quen với việc sinh viên Hoa Kỳ phải viết một bài luận cá nhân gửi theo đơn xin nhập học đại học. Sau đây là một số chỉ dẫn cách viết một bài luận văn thật xuất sắc!

Bước 1: Nghĩ ra một đề tài hay. Đề tài bài luận của bạn phải có ý nghĩa riêng đối với bạn. Đề tài này phải nói lên điều gì đó về con người của bạn, những giá trị hoặc sở thích của bạn và bạn khác những sinh viên dự tuyển khác ở những phương diện nào. Viết những điều gì đó về bạn mà không được biểu hiện qua điểm học tập của bạn, qua danh sách các môn học bạn đã học hay qua những phần khác trong đơn xin nhập học của bạn. Chọn đúng đề tài là việc rất quan trọng. Khi bắt đầu suy nghĩ chọn đề tài, bạn hãy nghĩ đến một số câu hỏi sau đây: Bạn là người như thế nào? Bạn đã từng làm những gì? Bạn muốn đạt những gì?

Bước 2: Viết bài luận. Viết văn mất nhiều thì giờ. Bạn đừng vội vã hay nghĩ là bạn có thể viết xong một bài luận chỉ trong một buổi chiều. Hãy chú ý thật kỹ đến phần mở bài. Tìm cách cuốn hút người đọc để họ thêm tò mò, muốn đọc cho đến cuối bài để biết thêm về những gì bạn trình bày. Dùng ngôn từ giản dị để trình bày ý tưởng; bạn không cần phải dùng từ ngữ to lớn để phô trương là bạn biết nhiều tiếng Anh–bạn dùng ngôn ngữ để bày tỏ về mình chứ không phải để chứng minh sự thông minh của bạn. Nhớ cho ví dụ sau mỗi luận điểm.

Bước 3: Đừng vội vã & nhớ nhờ người khác giúp. Nhớ dành đủ thì giờ viết bài luận để bạn có thể ngưng viết trong vài ngày–hoặc vài tuần–rồi viết trở lại. Làm như thế bạn sẽ được đọc lại bài mình viết với một con mắt nhìn mới. Ngoài ra, bạn cũng nên nhờ bạn bè hay người thân trong gia đình đọc bài viết của mình–những người này có thể nhận ra những điểm bạn thiếu sót hoặc không nghĩ ra để nói. Hãy hăng hái nhưng chậm rãi từ từ viết, điều quan trọng là nói lên con người xuất sắc của bạn!