Tìm hiểu hệ thống giáo dục Hoa Kỳ

Giới thiệu về Hệ thống Giáo dục Mỹ

Hệ thống giáo dục Mỹ có nhiều lựa chọn ngành học cho sinh viên quốc tế. Sự phong phú về trường, chương trình học và địa điểm mang đến cho sinh viên nhiều lựa chọn nhưng nhiều khi cũng sẽ khó quyết định, thậm chí đối với cả sinh viên Mỹ. Khi bắt đầu lựa chọn trường học, điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ hệ thống giáo dục Mỹ. Hiểu biết về hệ thống giáo dục Mỹ sẽ giúp sinh viên đưa ra được những lựa chọn đúng đắn và phát triển kế hoạch học tập của mình.

Hệ thống Giáo dục

Bậc Tiểu học và Trung học

Trước khi học chương trình giáo dục bậc cao, học sinh Mỹ có 12 năm học tiểu học và trung học, chương trình từ lớp một cho tới lớp mười hai. Khi sáu tuổi, học sinh Mỹ bắt đầu vào học tiểu học. Sau năm hoặc sáu năm tiểu học sẽ tiếp tục học lên trung học.

Bậc trung học gồm có hai chương trình: một là “trường trung học bậc giữa” hay “trung học cơ sở” và hai là “trường trung học”. Bằng tốt nghiệp sẽ được cấp sau khi tốt nghiệp trung học. Sau khi tốt nghiệp trung học (12 năm), sinh viên Mỹ có thể học lên đại học hoặc cao đẳng. Trường Cao đẳng hoặc Đại học còn được gọi là “giáo dục bậc cao”.

Hệ thống Điểm

Giống như sinh viên Mỹ, sinh viên quốc tế sẽ phải nộp bảng điểm trong quá trình nộp đơn vào trường cao đẳng hoặc đại học. Bảng điểm là văn bản chính thức kết quả học tập của sinh viên. Tại Mỹ, bảng điểm bao gồm cả “điểm” và “điểm trung bình” (GPA), là kết quả học tập sinh viên đạt được. Các khóa học thường được tính điểm theo tỷ lệ phần trăm và sau đó được chuyển đổi ra điểm.

Hệ thống điểm và điểm trung bình GPA tại Mỹ có thể không dễ hiểu đặc biệt đối với sinh viên quốc tế. Có nhiều cách giải thích cách tính điểm này. Ví dụ, hai sinh viên học tại hai trường khác nhau cùng nộp bảng điểm cho một trường đại học. Cả hai sinh viên đều có số điểm trung bình là 3.5, nhưng một sinh viên học trường trung học bình thường và sinh viên kia học trường trung học danh tiếng với nhiều áp lực học tập hơn. Trường đại học có thể diễn giải điểm trung bình GPA của hai sinh viên này khác nhau vì hai trường trung học có tiêu chí hoàn toàn khác nhau.

Vì vậy, cần lưu ý một vài điều quan trọng sau:

  • Sinh viên nên lựa chọn trường tại Mỹ phù hợp với trình độ học vấn trong nước tại thời điểm tìm trường.
  • Tìm hiểu kỹ yêu cầu tuyển sinh tại trường đại học và cao đẳng cũng như từng chương trình cấp bằng vì có thể có những yêu cầu khác nhau.
  • Thường xuyên liên lạc với tư vấn giáo dục hoặc người hướng dẫn của trường để cập nhật thông tin tuyển sinh.

Tư vấn giáo dục hoặc người hướng dẫn sẽ giúp sinh viên biết liệu có cần học một hoặc hai năm trước khi được tuyển vào đại học hay không. Nếu sinh viên quốc tế học đại học tại Mỹ trước khi đủ điều kiện học đại học trong nước thì chính quyền và nhà tuyển dụng ở một số nước sẽ không chấp nhận kết quả học tập tại Mỹ.

Lịch học

Lịch học thường bắt đầu vào tháng Tám và tháng Chín và tiếp tục vào tháng Năm hoặc tháng Sáu. Phần lớn học sinh bắt đầu học vào mùa thu vì vậy sinh viên quốc tế cũng nên bắt đầu học vào thời điểm này. Có nhiều điều thú vị khi bắt đầu một năm học mới, sinh viên có thể kết bạn với nhau vào lúc này khi tất cả cùng bắt đầu cuộc sống mới trong giảng đường đại học. Ngoài ra, sinh viên có thể học nhiều khóa học, bắt đầu từ tháng Tám và liên tục trong cả năm.

Ở một số trường, năm học gồm có hai kỳ hay còn gọi là “semesters.” (Một vài trường có lịch học ba kỳ, hay còn gọi là “trimester”) Ngoài ra, có một số trường theo hệ thống quý gồm bốn kỳ, bao gồm cả kỳ mùa hè không bắt buộc. Thông thường, nếu không tính kỳ mùa hè, một năm học sẽ gồm có hai semester hoặc ba quarter.

Hệ thống Giáo dục Bậc cao tại Mỹ: Cấp Bậc Học

Cấp bậc đầu tiên: Đại Học

Sinh viên học cao đẳng hoặc đại học và chưa lấy bằng cử nhân, thì đang học tại bậc đại học. Thường sinh viên mất bốn năm để lấy bằng cử nhân. Sinh viên có thể bắt đầu học lấy bằng cử nhân qua trường cao đẳng cộng đồng hoặc trường đại học bốn năm.

Hai năm đầu, sinh viên sẽ phải học rất nhiều khóa học khác nhau, thường được biết đến như các khóa học cơ bản: văn học, khoa học, khoa học xã hội, nghệ thuật, lịch sử và nhiều môn học khác. Điều này giúp sinh viên tích lũy kiến thức nền tảng chung phong phú trước khi tập trung học môn chính.

Nhiều sinh viên lựa chọn học tại trường cao đẳng cộng đồng để hoàn thành hai năm đầu chương trình học cơ bản. Sinh viên sẽ lấy bằng chuyển tiếp Associate of Arts (AA) sau đó chuyển tiếp lên trường đại học hoặc cao đẳng hệ bốn năm.

“Môn chính” là ngành học mà sinh viên lựa chọn. Ví dụ, ngành học chính của sinh viên là báo chí, sinh viên sẽ lấy bằng cử nhân báo chí. Sinh viên sẽ phải học một vài khóa học bắt buộc cho ngành học để đáp ứng yêu cầu của ngành đó. Sinh viên phải lựa chọn ngành học chính khi bắt đầu học năm thứ ba tại trường.

Một đặc điểm riêng của hệ thống giáo dục bậc cao của Mỹ là sinh viên có thể thay đổi ngành học chính bất cứ lúc nào. Việc thay đổi ngành học chính khi học đại học là hoàn toàn bình thường đối với sinh viên Mỹ. Thường sinh viên sẽ phát hiện một ngành nào đó họ xuất sắc hoặc thích thú. Hệ thống giáo dục Mỹ rất linh hoạt. Cần lưu ý là thay đổi ngành học cũng đồng nghĩa với việc phải học nhiều môn hơn, tốn nhiều thời gian và chi phí hơn.

Cấp bậc thứ hai: Sau Đại học lấy bằng Thạc sỹ Hiện nay, sinh viên tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân có thể thực sự muốn học lên cao học để nâng cao trình độ và phát triển nghề nghiệp. Bằng cấp này là cần thiết cho các vị trí chủ chốt trong khoa học thư viện, kỹ thuật, hành vi sức khỏe và giáo dục.

Ngoài ra, sinh viên quốc tế ở một số nước chỉ được chấp nhận học ở nước ngoài ở cấp cao học. Sinh viên nên tìm hiểu thông tin liệu có cần kinh nghiệm làm việc ở trong nước trước khi nộp đơn học cao học ở Mỹ.

Chương trình cao học thường do một phòng ban ở trường đại học quản lý riêng. Để được nhận học, sinh viên cần phải có điểm GRE (graduate record examination). Chương trình cao học khác có thể yêu cầu các bài kiểm tra khác như LSAT khi nộp đơn vào trường luật, GRE hay GMAT cho trường đào tạo kinh doanh, và MCAT cho trường y.

Các chương trình cao học lấy bằng Thạc sỹ thường hoàn thành trong vòng một hoặc hai năm. Ví dụ, chương trình MBA (thạc sỹ quản trị kinh doanh) là một chương trình phổ biến thường hoàn thành trong hai năm. Các chương trình thạc sỹ khác như báo chí, chỉ yêu cầu một năm.

Phần lớn chương trình thạc sỹ được giảng dạy trong lớp học và sinh viên cao học phải viết bài nghiên cứu dài gọi là “bài luận thạc sỹ” hoặc hoàn thành một “dự án thạc sỹ”.

Cấp bậc thứ ba: Sau đại học lấy bằng Tiến sỹ Nhiều trường coi bằng thạc sỹ là bước khởi đầu trước khi học lên bằng PhD (tiến sỹ). Nhưng tại nhiều trường khác, sinh viên có thể học thẳng lên bằng tiến sỹ mà không cần có bằng thạc sỹ. Để lấy bằng tiến sỹ, sinh viên phải dành ba năm hoặc nhiều hơn. Sinh viên quốc tế có thể dành năm đến sáu năm để hoàn thành bằng tiến sỹ.

Trong hai năm đầu của chương trình, hầu hết sinh viên học tiến sỹ sẽ lên lớp và tham dự hội thảo. Ít nhất sẽ dành một năm để nghiên cứu và viết bài luận hoặc luận án. Bài nghiên cứu này phải thể hiện quan điểm, thiết kế hoặc nghiên cứu mới chưa được phát hành trước đây.

Luận án tiến sỹ là cuộc thảo luận và tóm tắt những nghiên cứu hiện tại về một chủ đề. Hầu hết các trường ở Mỹ cấp bằng tiến sỹ đều yêu cầu sinh viên có thể đọc hiểu hai ngôn ngữ và dành phần lớn thời gian “tại một nơi” để vượt qua kỳ thi chấp nhận vào chương trình tiến sỹ và kỳ thi hùng biện về đề tài tiến sỹ.

Đặc điểm của Hệ Thống Giáo Dục Bậc cao của Mỹ

Môi trường lớp học

“Thách thức là cách sinh viên đăng ký học và lên kế hoạch học tập. Tôi thực sự đã không biết phải học gì bởi vì có rất nhiều chương trình để lựa chọn. Tôi gặp Angela Khoo [Tư vấn Giáo dục] để hỏi tư vấn tôi nên học lớp nào, và sau đó mọi việc đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều với tôi.”

Trích dẫn lời của Meiyun Han, từ Trung Quốc
Khoa Điều dưỡng tại trường Cao đẳng Merrit (một khoa của trường Hệ thống Cao đẳng Cộng đồng Quận Peralta).

Lớp học có thể có quy mô lớn với hàng trăm sinh viên hoặc sĩ số nhỏ và hội thảo (thảo luận trong lớp) với chỉ một vài sinh viên. Môi trường lớp học tại trường đại học Mỹ rất năng động. Sinh viên sẽ phải chia sẻ kinh nghiệm, tranh luận, tham gia thảo luận trong lớp và thuyết trình trước lớp. Sinh viên quốc tế sẽ nhận thấy đó là những trải nghiệm thú vị nhất trong hệ thống giáo dục Mỹ.

Hàng tuần, giảng viên sẽ yêu cầu sinh viên đọc sách giáo khoa và các ấn phẩm khác. Giảng viên sẽ yêu cầu sinh viên cập nhật thông tin qua việc đọc và làm bài tập giúp sinh viên tham gia thảo luận trong lớp và hiểu bài giảng. Một số chương trình cấp bằng cũng yêu cầu sinh viên dành thời gian trong phòng thí nghiệm.

Giảng viên là người cho điểm sinh viên tham gia lớp học. Điểm được tính dựa trên:

  • Mỗi giảng viên sẽ có yêu cầu khác nhau về đóng góp của sinh viên trong lớp học, nhưng giảng viên khuyến khích sinh viên tham gia thảo luận trong lớp, đặc biệt là các buổi hội thảo trong lớp. Đây là một yếu tố quan trọng để cho điểm sinh viên.
  • Trong quá trình học thường có bài Kiểm tra giữa kỳ.
  • Ngoài ra, sinh viên còn được yêu cầu nộp một hoặc nhiều bài nghiên cứu hoặc báo cáo kỳ, hoặc báo cáo thí nghiệm để đánh giá điểm cuối kỳ.
  • Có thể có bài kiểm tra ngắn hoặc bài đố nhanh. Đôi khi giảng viên sẽ yêu cầu làm bài “đố nhanh” mà không thông báo trước. Các bài kiểm tra dạng này sẽ không chiếm tỷ lệ lớn trong điểm số cuối kỳ, mà chỉ để khuyến khích sinh viên tham gia lớp học và làm bài tập về nhà.
  • Kiểm tra cuối kỳ sẽ được diễn ra vào cuối kỳ học.

Tín chỉ

Mỗi một môn sẽ tương đương một số lượng tín chỉ nhất định hoặc số giờ tín chỉ. Số tín chỉ này tương đương với số giờ sinh viên lên lớp cho môn học đó mỗi tuần. Một môn học có khoảng bốn đến năm tín chỉ.

Chương trình toàn thời gian ở hầu hết các trường có 12 đến 15 giờ tín chỉ (bốn hoặc năm môn một học kỳ) và sinh viên phải hoàn thành số lượng tín chỉ nhất định trước khi tốt nghiệp. Sinh viên quốc tế phải tham gia khóa học toàn thời gian trong suốt học kỳ.

Chuyển tiếp

Nếu sinh viên đăng ký học một trường khác trước khi tốt nghiệp, số tín chỉ mà sinh viên đã học tại trường đại học đầu tiên sẽ được tính vào số điểm tại trường đại học giúp hoàn thành chương trình học. Điều đó có nghĩa là sinh viên có thể chuyển tiếp sang trường khác mà vẫn tốt nghiệp đúng thời gian.

Các hình thức giáo dục bậc cao tại Mỹ

1. Trường Cao đẳng và Đại học công lập
Trường cao đẳng, đại học của bang được hỗ trợ và điều hành bởi chính quyền địa phương hoặc bang. Mỗi bang trong số 50 bang của Mỹ có ít nhất một trường đại học công lập và nhiều trường cao đẳng bang. Nhiều trong số các trường đại học công lập này có tên của bang, hoặc từ “bang” trong tên trường: ví dụ, Trường Đại Học bang Washington và Trường Đại Học Michigan.

2. Trường Cao đẳng hoặc Đại học tư
Các trường này được tư nhân điều hành thay vì cơ quan chính quyền bang. Học phí của các trường tư thường sẽ cao hơn học phí trường công lập. Thường trường tư sẽ có quy mô nhỏ hơn so với trường công lập.

Các trường cao đẳng và đại học liên kết với tôn giáo là các trường đại học tư. Thông thường các trường đại học này sẽ tiếp nhận sinh viên từ tất cả các tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, có một số ít trường muốn tiếp nhận sinh viên theo học có cùng tôn giáo với trường.

3. Trường Cao đẳng Cộng đồng
Trường cao đẳng cộng đồng hệ hai năm cấp bằng associate (có thể chuyển tiếp) và các chứng chỉ. Có nhiều loại bằng associate, nhưng điều khác biệt quan trọng nhất là bằng đó có thể chuyển tiếp được hay không. Thường thì có hai loại bằng chính: một là bằng chuyển tiếp lên đại học và hai là chứng chỉ giúp sinh viên bắt đầu làm việc. Bằng chuyển tiếp lên đại học thường là bằng associate nghệ thuật hoặc bằng associate khoa học. Bằng mà không chuyển tiếp được là bằng associate khoa học ứng dụng và chứng nhận hoàn thành chương trình.

Sinh viên tốt nghiệp trường cao đẳng cộng đồng phần lớn chuyển tiếp lên trường cao đẳng hoặc đại học hệ bốn năm. Vì sinh viên có thể chuyển điểm từ trường cao đẳng cộng đồng, sinh viên có thể hoàn thành lấy bằng cử nhân trong vòng hai năm tiếp theo hoặc hơn. Nhiều trường cũng có chương trình anh ngữ hoặc chương trình tiếng Anh chuyên sâu giúp sinh viên chuẩn bị vào học đại học.

Nếu sinh viên không có kế hoạch học lên đại học, sinh viên có thể tìm việc tại quê nhà với tấm bằng associate của trường.

4. Học viện Công nghệ
Học viện công nghệ là trường đại học hệ bốn năm chuyên về khoa học và công nghệ. Một số trường có chương trình cao học hoặc các khóa đào tạo ngắn hạn.

“Tôi thích vì lịch học linh hoạt, lớp học vui và tôi có thể tham gia nhiều hoạt động.”

Trích dẫn lời của Xujie Zhao, từ Trung Quốc
Học quản trị mạng tại Học viện Công nghệ Wentworth.